Tuyển dụng nhân sự trong thời kỳ khủng hoảng

Tất cả các hoạt động kinh doanh đều có chu kỳ của nó. Có những khoảng thời gian bạn bận rộn khác thường, nhưng cũng có những lúc bạn có chút thời gian để nghỉ ngơi. Chính vì thế, kế hoạch nhân sự của bạn cũng nên theo sát chu kỳ này.

Đặc biệt, khi nền kinh tế bị suy thoái, hoặc khi những khoảng thời gian bận rộn càng lúc càng ít hơn, chắc chắn kế hoạch của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì thế, tất cả các doanh nghiệp nên chuẩn bị sẵn “đối sách” về tuyển dụng để có thể vượt qua thời kỳ khó khăn này một cách suôn sẻ nhất.
· Không nên ngưng hoàn toàn việc tuyển dụng
Khi kinh tế khủng hoảng, phản ứng đầu tiên của tất cả các doanh nghiệp là “đóng băng” việc tuyển dụng nhân sự mới. Tuy nhiên, có nhất thiết phải ngưng tuyển dụng ở tất cả các phòng ban không? Nếu công ty của bạn có thể “đảo ngược” tình thế khó khăn hiện nay bằng cách đầu tư mạnh mẽ hơn vào kỹ thuật – công nghệ thì sẽ không hợp lý chút nào nếu yêu cầu phòng kỹ thuật không tuyển dụng nữa. Càng bất hợp lý hơn nếu xét đến việc hiện nay nguồn cung nhân lực chất lượng cao đang khá dồi dào trên thị trường lao động do nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự. Thậm chí, nếu có nhiều ứng viên xuất sắc dự tuyển, bạn còn nên tuyển dụng nhiều hơn nhu cầu nữa.
· Thẩm định lại độ tin cậy của đối tác
Dù công ty tư vấn nhân sự – đối tác của bạn trong việc tuyển dụng – là ai, bạn cũng nên thẩm định lại độ tin cậy của những thỏa thuận với họ. Ngoài việc bảo đảm những hợp đồng hiện tại tiếp tục được thực hiện, bạn cũng nên có kế hoạch tìm đối tác khác để dự phòng trường hợp một trong các đối tác của bạn phá sản.
· Ưu tiên tuyển dụng những vị trí quan trọng
Hãy dồn mọi nỗ lực của bạn vào việc tuyển dụng những vị trí có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy, bạn sẽ nâng cao được hiệu suất sử dụng ngân sách tuyển dụng của mình. Hãy nghiên cứu những cách thức tuyển dụng bạn từng sử dụng và xác định cái nào mang lại hiệu quả cao nhất để dùng lại. Suy thoái kinh tế không phải là thời điểm thích hợp để tiến hành các cuộc thử nghiệm, trừ khi chúng không quá tốn kém.
· Chuẩn bị đón nhận “dòng thác” hồ sơ xin việc
Kinh tế suy thoái đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều thất nghiệp hơn. Vì thế, khi đăng thông báo tuyển dụng, bạn sẽ nhận được nhiều hồ sơ xin việc hơn trước đây cho mỗi vị trí cần tuyển. Điều này có mặt tích cực là bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, mặt khác, bạn sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để xem xét hồ sơ. Vì thế, khi chuẩn bị tuyển dụng nhân sự, bạn nên tính toán và hoạch định lượng thời gian hợp lý để có thể xử lý hết “núi” hồ sơ xin việc này.
· Chia sẻ các nguồn lực trong doanh nghiệp
Nếu làm việc trong một doanh nghiệp lớn với chính sách quản lý nhu cầu tuyển dụng theo khu vực, bạn nên nghiên cứu cách chia sẻ cả tri thức và nguồn lực trong việc quản lý và tuyển dụng nhân sự. Đôi lúc có thể xảy ra tình trạng một chi nhánh đang làm ăn thua lỗ trong khi một nơi khác thì đang phát triển mạnh và cần sự hỗ trợ cho chiến dịch tuyển dụng của họ.
· Chứng tỏ bạn là nhà tuyển dụng (NTD) đáng tin cậy
Nếu muốn thu hút được nhân tài trong lúc khủng hoảng kinh tế, bạn cần thể hiện mình là một NTD đáng tin cậy. Hãy giới thiệu những thành tựu doanh nghiệp của bạn đạt được gần đây và kế hoạch phát triển trong thời gian tới ngay trong thông báo tuyển dụng. Như vậy, ứng viên đỡ lo ngại viễn cảnh họ sẽ lại rơi vào tình trạng thất nghiệp khi còn chưa hoàn thành thời gian thử việc!
Trong trường hợp doanh nghiệp của bạn không muốn hay không thể tuyển dụng nhân sự được nữa (dù chỉ một người) trong lúc kinh tế khủng hoảng, bạn vẫn còn những chiến lược khác để chuẩn bị cho thời điểm kinh tế khởi sắc trở lại. Một trong những chiến lược hay là thuyên chuyển nhân lực trong nội bộ doanh nghiệp. Nếu một phòng ban hiện có quá ít việc để làm nên muốn sa thải bớt nhân viên trong khi những phòng ban khác thì lại quá tải vì công việc, hãy nghiên cứu điều chuyển những người này qua phòng ban đang cần nhân lực. Ngoài ra, nếu cơ hội tăng lương, thăng tiến không còn sáng sủa như trước nữa cũng như công việc của nhân viên sẽ có nhiều thay đổi, bạn hãy thẳng thắn thảo luận điều này với họ.
Bạn cũng có thể dành thời gian nghiên cứu và phân tích những sự việc đã đẩy doanh nghiệp của bạn rơi vào hoàn cảnh hiện nay. Liệu có dấu hiệu nào có thể cảnh báo bạn khi giai đoạn khó khăn sắp đến? Bạn có thể làm gì để hạn chế đến mức thấp nhất tác động của suy thoái trong tương lai?

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *