Chảy máu chất xám – NIềm đau của các doanh nghiệp

Là nhà quản lý, bạn cảm thấy thế nào nếu những nhân viên xuất sắc của bạn cứ lần lượt ra đi? Chắc chắn là trải nghiệm ấy không dễ chịu chút nào. Ngày nay không riêng gì các công ty nhỏ và vừa mà ngay cả các công ty lớn cũng đang xảy ra nạn . Khi đã muốn ra đi, dù nhà quản lý có ra sức thuyết phục đến đâu thì họ sẽ vẫn không thay đổi quyết định.Vậy chúng ta nên làm gì để không bỏ đi? Câu trả lời nằm ở chiến lược giữ chân người tài đúng đắn!

Nhân tài là ai?
Trước tiên phải xác định tiêu chí về nhân tài. Theo trang web Taleo.com, nhân tài là những người có kiến thức và kỹ năng chuyên môn vững vàng và phù hợp, sự đam mê với công việc và có khả năng hòa nhập tốt với môi trường làm việc và văn hóa của doanh nghiệp.
Tại sao nhân tài lại ra đi?
Có rất nhiều lý do khiến nhân tài ra đi như mức lương không thỏa đáng, không có cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc không thân thiện, công việc nhàm chán, bị cấp trên kiểm soát quá chặt, cách đánh giá kết quả công việc không công bằng … Nhìn chung, nếu nhân tài không được đáp ứng tất cả những yếu tố để phát huy tài năng và sự nghiệp một cách tốt nhất thì chắc chắn họ sẽ ra đi, cho dù về tình cảm cá nhân, có thể họ vẫn còn quyến luyến với công ty.

Chiến lược giữ chân người tài đúng đắn
Nhân tài quan trọng như vậy nên doanh nghiệp luôn cần chiến lược phù hợp để gìn giữ. Dưới đây là một số bí quyết bạn cần lưu ý để xây dựng được chiến lược thích hợp nhất:
· Áp dụng chế độ lương bổng và phúc lợi hợp lý và cạnh tranh
Lương bổng luôn là vấn đề quan trọng đối với người lao động. Tuy nhiên, theo bà Linh Lan, Trưởng Phòng Nhân sự của AIG Life Việt Nam, doanh nghiệp nên có một chính sách lương bổng hợp lý và cạnh tranh hơn là chế độ lương cao “chót vót”. Nếu doanh nghiệp bạn trả lương cao thì thể nào cũng sẽ có công ty khác “phá giá”. Doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi đặc biệt dành cho tất cả nhân viên như cơ hội được học tập, đào tạo nâng cao kiến thức. Những nhân viên gắn bó lâu năm với doanh nghiệp cần được tưởng thưởng xứng đáng bằng tiền mặt hay cổ phiếu (nếu là công ty cổ phần).
· Phân quyền mạnh mẽ hơn cho người tài
Người tài là những người có khả năng làm việc độc lập, vì thế họ rất khó chịu nếu lúc nào cũng bị cấp trên giám sát chặt chẽ. Việc phân quyền nên được áp dụng theo đúng nghĩa nhất để người tài có điều kiện thực hiện những nhiệm vụ mà trước đây là “đặc quyền” của cấp quản lý như ra quyết định và giải quyết vấn đề. Muốn vậy, bạn cần khuyến khích họ phát huy quyền ra quyết định và chịu trách nhiệm về điều họ làm. Không bao giờ nên can thiệp quá sâu vào cách giải quyết công việc của họ.
· Hình thành và phát triển các mối quan hệ xã hội trong công ty
Việc khuyến khích các hoạt động đội nhóm như bóng đá, bóng chuyền, khiêu vũ, yoga … hay các cuộc thi như thi hát trong công ty sẽ giúp gắn kết và phát triển quan hệ xã hội bền chặt giữa các nhân viên. Đây là các hoạt động giúp cho người lao động thấy thoải mái và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn. Theo bà Linh Lan, một trong những lý do khiến nhân viên của AIG Life Việt Nam gắn bó với công ty là nhờ sự hoạt động hiệu quả của các câu lạc bộ ngoại ngữ. Có thể nhân viên không được hưởng lương bổng cao chót vót nhưng tình cảm đối với đồng nghiệp và công ty là sợi dây buộc chặt họ với doanh nghiệp.
·Phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho nhân viên
Phát triển kỹ năng nghề nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân viên giỏi. Tuy nhiên, một số công ty lại e ngại chuyện này vì sợ nhân viên sau khi “đủ lông đủ cánh” sẽ “bay” đi mất. Thật ra, hầu hết mọi người đều biết trân trọng những cơ hội trau dồi kỹ năng và phát triển nghề nghiệp mà công ty đã trao cho họ. Vì vậy bạn hãy xác định nhân tài tiềm năng còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm nào để thực hiện các khóa huấn luyện phù hợp.
· Xây dựng môi trường làm việc thân thiện
Ai cũng biết những nhà lãnh đạo tồi sẽ ảnh hưởng đến môi trường làm việc ra sao. Vì vậy, hãy tìm hiểu xem có nhà quản lý nào hay quát nạt nhân viên, không bao giờ biết khen ngợi cấp dưới hay thường đổ lỗi cho người khác về sai lầm mà chính họ gây ra. Một người lãnh đạo như vậy sẽ làm không khí phòng ban hay bộ phận đó rất ngột ngạt và hậu quả là nhân tài sẽ dần bỏ đi hết. Bạn cần mạnh dạn loại bỏ những “ông kẹ” này nếu muốn giữ được người tài.
Sự ra đi của nhân tài thường gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp. Vì thế, thay vì buồn rầu nhìn nhân tài lần lượt bỏ đi, ngay từ bây giờ, nhà quản lý nên thực hiện ngay những chính sách nhân sự sáng suốt và thiết thực để giữ chân họ. Không ai lại muốn rời bỏ một môi trường làm việc chuyên nghiệp với chế độ đãi ngộ xứng đáng, và nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp cả!

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *